Những dự án trên đã làm thay đổi mạnh mẽ kết cấu hạ tầng, đô thị Thành phố Bảo Lộc, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm khu vực Nam Trung Bộ.
Tính đến nay các dự án đầu tư ngoài vốn ngân sách vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội - văn hóa - giáo dục - thể thao trên địa bàn thành phố Bảo lộc có 112 dự án đã được UBND Tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký 7.793,24 tỷ đồng và 46,42 triệu USD, diện tích sử dụng đất 1.199,83 ha.
Trong đó theo lĩnh vực có: 71 dự án thuộc lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng; 31 dự án thuộc lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ; 10 dự án thuộc lĩnh vực Nông nghiệp. Theo tiến độ có: 72 dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động; 27 dự án đang triển khai thực hiện.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Bảo Lộc có 18 dự án nằm trong danh mục kêu gọi thu hút đầu tư được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định 759/QĐ-UBND ngày 08/4/2016, tập trung vào 04 lĩnh vực (Công nghiệp; Du lịch, dịch vụ và thương mại; Nông nghiệp; Đầu tư hạ tầng và khu dân cư). UBND tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành văn bản 1130/QĐ-UBND ngày 31/5/2016 về quy trình, trình tự, thủ tục hướng dẫn đầu tư được quy định cụ thể và công khai minh bạch tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn.
Cùng với đó UBND thành phố Bảo Lộc đã thành lập tổ công tác thu hút đầu tư do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng, giao phòng Kinh tế thường trực, trực tiếp làm việc hướng dẫn nhà đầu tư, thủ trưởng các phòng ban đơn vị là thành viên để hỗ trợ nhà đầu tư và phân công một cán bộ phụ trách riêng mảng thu hút đầu tư.
Với sự quan tâm chỉ đạo vào cuộc của các cấp, các ngành việc triển khai các dự án đang từng bước cải thiện về tiến độ thực hiện, như trước đây các dự án chậm tiến độ chiếm hơn 20% trên tổng số dự án, thì đến nay chỉ còn 11,6%.
Nhiều nhà đầu tư có uy tín, kinh nghiệm và năng lực đã và đang quan tâm đầu tư tại thành phố Bảo Lộc như: Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Hùng Hậu, Tập đoàn Bia Sài Gòn, Công ty Sai Gòn Co.op; Công ty Hưng Thịnh; Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam; Công ty TNG Việt Nam; Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành,...
Cùng với đó các dự án nhà ở, khu đô thị trên địa bàn thành phố trước đây được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chậm thực hiện, giờ tiếp tục được khởi động và đến nay đã cơ bản hoàn thành xong hạ tầng như: Dự án “Khu dân cư đường Lý Thường Kiệt” của công ty CP Licogi 16; Dự án “Khu dân cư kế cận Khu công nghiệp Lộc Sơn” của công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển Đông Đô 1; Dự án “Khu dân cư 6B phường Lộc Sơn” của công ty TNHH Bất động sản Mãi Thành; Dự án “Khu nhà ở Vinacomin” của công ty TNHH ĐT-PT nhà và hạ tầng Vinacomin....
Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 13/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (khóa X) về phát triển thành phố Bảo Lộc toàn diện, bền vững (giai đoạn 2016-2020) xác định: Xây dựng thành phố Bảo Lộc phát triển đáp ứng yêu cầu trung tâm dịch vụ, công nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa thể dục thể thao khu vực phía nam của tỉnh. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với liên kết vùng, phát huy lợi thế về công nghiệp chế biến nông sản và thương mại dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội. Phát triển hạ tầng đồng bộ đến năm 2020 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II, mở rộng quy mô đô thị phù hợp với quy hoạch trung tâm tỉnh lỵ.
Bảo Lộc với những tiềm năng sẵn có của mình xác định tiếp tục tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, đầu tư phát triển hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo định hướng chung, hướng tới một thành phố sinh thái, bền vững, thân thiện với môi trường và dần trở nên đẹp hơn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.